Ốc hương biển là một loại thực phẩm cao cấp, có giá trị dinh dưỡng rất cao, những năm gần đây việc nuôi ốc hương được phát triển nuôi rộng rãi, mang lại giá trị kinh tế lớn cho người nông dân. Tuy nhiên do mật độ nuôi tăng cao, nguồn nước bị ô nhiễm, dịch bệnh ngày càng tăng dẫn đến một số thiệt hại lớn về tiền của công sức của bà con!

I. BIỂU HIỆN CÁC BỆNH ỐC HƯƠNG:
– Biểu hiện các bệnh chủ yếu trên ốc Hương như: Sưng vòi, viêm đường ruột bỏ ăn, tuột nhớt; Đơ yếu do cơ thể nhiễm, tổn thương nội tạng, thần kinh, dãy dụa mạnh trước khi chết; Ốc bỏ vỏ…
– Trong quá trình nuôi, chúng ta theo dõi thấy dấu hiệu ốc kém ăn dần, phơi mình trên nền đáy, ít vùi đáy; nếu nuôi bể, có hiện tượng ốc bò lên thành bể; ống Si phông và vòi lấy thức ăn bị sưng, bên trong có nhiều chấm đỏ; chân bụng phồng và có bọng nước; mở nắp miệng không đóng được.
– Các bệnh Tập trung cao vào mùa mưa, khi các yếu tố môi trường thời tiết thay đổi như độ mặn, nhiệt độ, hàm lượng vật chất hữu cơ thay đổi, ao nuôi bị ô nhiễm nặng. Xảy ra cả ở các trại sản xuất giống, ao và lồng nuôi thương phẩm ốc hương…

II. NGUYÊN NHÂN ỐC HƯƠNG CHẾT HÀNG LOẠT:
– Kết quả xét nghiệm một số ao nuôi ốc chết tại một số tỉnh Miền trung, Cần Giờ/TP.HCM, Phú Quốc/Kiên Giang… cho thấy:
+ Mật độ các chủng vi khuẩn Vibrio SP rất cao. Ngoài ra, còn có trùng lông (Ciliophora)và chủng nấm Fusarium sp…
+ Lớp bùn đáy ao chứa nhiều khí độc từ chất thải hữu cơ, bùn bẩn như NH3, NO2 phát sinh liên tục, đạt đến mức gây hại cho ốc sau 1 tháng nuôi. Gây giảm ăn, ít vùi đáy, đơ yếu. Đặc biệt những giai đoạn chuyển mùa từ mùa nắng nóng sang mưa nhiều gây nhiệt độ, mật độ oxy hòa tan, độ PH của nước thay đổi đột ngột qua khung mức cho phép.
+ Tỷ lệ vi sinh vật có lợi để hãm khuẩn, xử lý chất thải hữu cơ thấp (ít dùng vi sinh).
XÁC ĐỊNH MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN:
1. Do nhiễm bệnh: Vi khuẩn, nấm, trùng lông, thậm chí là virut (đang được phân tích xác thực) là những tác nhân gây bệnh, làm cho ốc hương chết hàng loạt ở nhiều nơi trong thời gian qua.
+ Trước tiên trùng lông gây tổn thương vòi lấy thức ăn (cơ quan tiêu hóa) và ống si phông (cơ quan hô hấp) của ốc, làm cho hai cơ quan này sưng lên, gây tổn thương, tạo cơ hội cho vi khuẩn và nấm đồng lọt tấn công vào chỗ tổn thương, từ đó ốc lấy thức ăn không được, khó thở, rồi chết.
+ Trùng lông phát triển mạnh là do các chất hữu cơ trong vùng nuôi ốc nhiều, đặc biệt do thức ăn dư thừa; mùa mưa vật chất hữu cơ từ đất liền chảy xuống; Lượng ốc hương chết không được vớt lên; Nguồn nước thải ra từ các ao có ốc bệnh lây sang các ao khác qua con đường lấy nước theo thủy triều hoặc bơm cấp nước hằng ngày.
2. Do ô nhiễm môi trường ao nuôi (đặc biệt tầng nước đáy):
+ Đáy ao hay đáy bể nuôi là nơi tập trung nhiều mầm bệnh nhất, đó có thể là những loại vi khuẩn gây hại, ký sinh trùng hay nhiều loài nấm. Mà vòi của ốc là bộ phận sẽ tiếp xúc trực tiếp với môi trường nên dễ bị xâm nhiễm và gây sưng tấy. Rất nhiều mầm bệnh có thể gây sưng vòi của ốc. Nên thường là do tác động kép của nhiều tác nhân cùng một lúc. Khi chỉ mới có một loại mầm bệnh tấn công thì cũng đã làm vòi ốc sưng tấy, lở loét. Từ đó tạo cơ hội cho các mầm bệnh tiếp theo tác động đến.
+ Khí độc trong ao nuôi ốc như H2S, NO2, NH3 làm cho ốc suy yếu, giảm ăn và dễ nhiễm bệnh. Chúng được sản sinh thức ăn dư thừa vàng lắng đọng; Chất thải từ phân ốc hương, nguyên nhân hàng đầu sản sinh ra khí độc trong ao. Tảo phân hủy cũng là một nguyên nhân sinh ra chất đạm…
3. Do thức ăn: Do thức ăn bị nhiễm mầm bệnh từ các loại thủy sản khác mang đến ao nuôi ốc hương; nhiễm hóa chất bảo quản…
+ Nguồn thức ăn của ốc hương là các loại mùn bã hữu cơ lắng đọng ở đáy và xác của các loài thủy sản khác, ngoài ra ốc còn rất thích ăn những con thân mềm hay giáp xác nhỏ, nó ăn đến 12% thức ăn một ngày so với trọng lượng của nó. Do tập tính ăn đáy nên môi trường đáy ao ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến thức ăn và gây bệnh cho ốc qua đường tiêu hóa…
4. Ngoài ra, có thể con giống chất lượng kém, kỹ thuật nuôi chưa đạt và đặc biệt do ảnh hưởng tình hình thời không thuận lợi, đầu tháng 4 có hiện tượng mưa cục bộ nhỏ, thỉnh thoảng có mưa rất lớn, sau đó xuất hiện nắng nóng oi bức gay gắt kéo dài…, ốc hương không thích nghi, gây stress, sốc bệnh…
Hiện nay, phòng bệnh cho ốc hương là một trong những giải pháp chủ yếu và mang lại hiệu quả cao!

III. BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH CHO ỐC HƯƠNG:
Trong quá trình nuôi ốc hương, cần chú ý những khâu sau:
1. Con giống: Chọn con giống tốt từ các trại giống uy tín, ốc con không bị nhiễm bệnh, thoái dòng.
Thả giống đúng kích cỡ, theo khuyến cáo, kích cỡ giống tối thiểu đạt 10.000 – 15.000 con/kg; mật độ thả thích hợp 300 – 400 con/m2, không nên thả giống còn quá nhỏ và trại có nhiễm mầm bệnh.
2. Kiểm tra ao nuôi, xử lý môi trường nước định kỳ:
– Kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường như pH, độ mặn, oxy hòa tan để có biện pháp xử lý thích hợp, kịp thời nhằm tạo môi trường thuận lợi cho ốc phát triển, đặc biệt chú ý đến nhiệt độ và độ mặn.
– Thường xuyên kiểm tra vệ sinh lưới ngăn, nền đáy trong suốt quá trình nuôi. Sau mỗi đợt nuôi cần cải tạo kỹ nền đáy. Định kỳ diệt khuẩn, mầm ký sinh, cắt tảo ao nuôi bằng các loại hóa chất như BKC, Bronopol, Iodine…(theo liều lượng của nhà sản xuất: liều xử lý ao trước khi thả giống + ao lắng; liều dùng định kỳ khi nuôi ốc hương).
– Nếu có điều kiện, bà con nên có ao lắng để xử lý nước, diệt khuẩn trước khi lấy nước vào ao nuôi. Đây là giải pháp rất hữu hiệu ở một số nước.
– Trong quá trình nuôi ốc hương, khi lượng chất thải, chất hữu cơ,… trong ao nhiều sẽ xuất hiện các loại khí độc và làm ảnh hưởng đến chất lượng nuôi cũng như sự phát triển của ốc. Chính vì vậy bà con cần tiến hành xử lý khí độc trong ao nuôi ốc một cách kịp thời, theo định kỳ và phù hợp với từng điều kiện ao nuôi.
– Do khi diệt khuẩn định kỳ sẽ gây chết cả các vi sinh vật, khuẩn có lợi; do vậy vi khuẩn có hại còn sót lại sẽ dễ dàng phát triển trở lại. Do vậy cần phải tạt bổ sung vi sinh ngay sau khi diệt khuẩn có hại trong ao nuôi để vi sinh phát triển làm sạch hữu cơ, hãm khuẩn, cắt tảo…
Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học vi sinh để hãm khuẩn có hại, cải thiện chất lượng nước ao trong lúc nuôi, xử lý bùn bẩn, thức ăn thừa, chất thải hữu cơ, bùn bẩn đáy)… hạn chế ô nhiễm nước ao.

– Kiểm tra đáy ao, nếu cát có màu đen QUÁ ĐẶC, mùi hôi nhiều cần chuyển ốc sang ao khác và tiến hành vệ sinh ao rồi tiếp tục nuôi.
– Sau mỗi đợt nuôi cần cải taọ kỹ nền đáy
3. Thức ăn: Thức ăn truyền thống thường sử dụng là tôm, cá tạp,… các loại này yêu cầu phải bảo đạm độ tươi, không có mùi ôi thối, không bị dập nát, được vệ sinh sạch sẽ, mua từ nguồn tự nhiên là tốt nhất (để tránh mầm bệnh). Không có hóa chất bảo quản. Sau mỗi lần cho ăn kiểm tra lượng thức ăn thừa để cân đối phù hợp và vệ sinh lưới lồng, nền đáy.
– Ngoài ra hiện nay đã lưu hành thức ăn công nghiệp cho ốc hương, có thể khắc phục được những nhược điểm của cách nuôi bằng thức ăn truyền thống, tiết kiệm chi phí, đảm bảo nguồn nước, không có dịch bệnh, nên cho ăn hàng ngày để giúp ốc sinh trưởng nhanh, tăng sức đề kháng, xuất bán sớm.
4. Theo dõi mầm bệnh: Khi ốc có biểu hiện kém ăn và chết rải rác, cần nhặt hay sàng lọc số ốc này và tiêu hủy, không nên vứt bừa bãi ở khu vực nuôi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước trong vùng nuôi, gây ra dịch bệnh diện rộng. Khi dùng thuốc cần nghiên cứu kỹ dùng đúng loại đúng liều lượng cho phép.
